Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát các tiêu chí về môi trường tại TPST
Theo báo cáo, sau 4 năm triển khai Nghị quyết 127, công tác bảo vệ môi trường tại TPST đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, ngành đã tăng cường chỉ đạo và đầu tư cho lĩnh vực này. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được triển khai rộng rãi, tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người dân và doanh nghiệp.
Công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về môi trường được đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Trong giai đoạn này, TP đã ban hành trên 54 văn bản chỉ đạo, gồm: 01 chương trình hành động, 19 quyết định, 18 kế hoạch, 15 công văn và 01 báo cáo. Hằng năm, UBND TP chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường với nội dung cụ thể, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, chất lượng quản lý và cải thiện môi trường đô thị.
Thành phố cũng chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm ngay từ khâu cấp phép các dự án sản xuất, kinh doanh; đồng thời chú trọng xử lý ô nhiễm do nước thải, chất thải rắn phát sinh từ khu vực đô thị. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được yêu cầu xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường theo chỉ đạo UBND TP. Công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, giảm rác thải và ô nhiễm ở khu dân cư cũng được đẩy mạnh.
Kết quả, các điểm nóng ô nhiễm cơ bản đã được xử lý, không còn tình trạng kéo dài gây bức xúc. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt từ 98% trở lên. TP đã phân bổ kinh phí gần 180 tỷ đồng cho các hoạt động công ích đô thị như thoát nước, cây xanh, thu gom, xử lý rác sinh hoạt, cải tạo môi trường kênh mương, tổ chức tuyên truyền và các sự kiện môi trường.
Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại: Tuyên truyền bảo vệ môi trường chưa hiệu quả; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn thấp; nhiều cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý chất thải; kênh mương nội ô ô nhiễm nghiêm trọng; việc phân loại rác tại nguồn còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo vệ sinh lâu dài; nhân lực quản lý môi trường còn thiếu và yếu.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò cộng đồng trong bảo vệ môi trường, tình trạng phát sinh rác tự phát, chất thải rắn và vấn đề điểm tập kết rác. TPST đã giải trình và kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường hợp lý để nâng cao hiệu quả quản lý; đầu tư trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; ban hành cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển xứng tầm đô thị loại II; đồng thời đưa nội dung tuyên truyền môi trường vào chương trình học tại các trường. Vấn đề nước sinh hoạt, nội dung gây bức xúc hiện nay, được đặc biệt quan tâm. Đoàn đã yêu cầu Nhà máy cấp nước Sóc Trăng giải trình, nêu rõ lộ trình khắc phục tình trạng nước yếu, chất lượng kém, cũng như công tác duy tu, bảo trì hạ tầng trong thời gian tới
Trước đó, đoàn đã khảo sát thực tế tại Nhà máy cấp nước khóm 5 phường 8, Trạm cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khóm 6 phường 4, và trạm cấp nước khóm 6 phường 1. Qua khảo sát, đoàn ghi nhận kết quả thực hiện các chỉ tiêu môi trường, đồng thời chia sẻ những khó khăn TPST đang gặp phải trong việc triển khai Nghị quyết 127.